Một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ sẽ giúp phân biệt rõ ràng một doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh. Mọi thứ khác trong doanh nghiệp như sản phẩm, chiến lược, tiếp thị, thậm chí là đổi mới đều có thể bị sao chép.

Tuy nhiên, với văn hóa doanh nghiệp thì khác, nó rất khó có thể bị sao chép bởi các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì? Vai trò và các bước tiến hành xây dựng văn hóa doanh nghiệp như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé!

I.Văn hóa doanh nghiệp là gì?

1.Khái niệm về văn hóa

Văn hóa là một yếu tố có lịch sử lâu đời nhất, có thể nói văn hóa đã tồn tại trong đời sống của tất cả chúng ta từ khi chúng ta chưa nhận thức được về văn hóa. Mặc dù từ “văn hóa” sớm đã xuất hiện trong đời sống ngôn ngữ ở cả phương Đông và phương Tây, thế những phải đến thế kỷ XVIII, nó mới được đưa vào khoa học, sử dụng như một thuật ngữ.

Nói một cách dễ hiểu, văn hóa là toàn bộ các hoạt động mang tính chất tinh thần, các quy tắc cư xử, ngôn ngữ, tôn giáo, nghi lễ, các hình thức nghệ thuật các chuẩn mực hành vi, chẳng hạn như luật pháp, đạo đức, các hệ thống niềm tin hay đơn giản hơn chính là lối sống mang nét đặc trưng riêng do con người sáng tạo và tích lũy thông qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.

2.Khái niệm văn hóa doanh nghiệp


Khái niệm văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp (Corporate Culture) được coi là một dạng văn hoá tổ chức (Organizational Culture). Nhận thức về văn hóa doanh nghiệp trong các doanh nghiệp và các tổ chức khác như các trường đại học đã xuất hiện vào những năm 1960. Thuật ngữ văn hóa doanh nghiệp phát triển vào đầu những năm 1980 và được biết đến rộng rãi vào những năm 1990. Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp được đưa ra dựa trên góc nhìn của mỗi tác giả, mỗi tổ chức.

Đơn giản nhất, ta có thể định nghĩa văn hóa doanh nghiệp là các giá trị, đạo đức, tầm nhìn, hành vi và môi trường làm việc của doanh nghiệp được vận dụng vào các hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho kinh doanh và hướng tới hiệu quả kinh tế tối ưu cho doanh nghiệp. Đó là điều làm nên sự độc đáo của mỗi doanh nghiệp và nó tác động đến mọi thứ, từ hình ảnh công chúng đến sự gắn bó và giữ chân nhân viên. Nếu nhân viên chia sẻ đạo đức, tầm nhìn và các yếu tố văn hóa khác của doanh nghiệp, điều đó có thể ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp tốt thường có tinh thần làm việc cao và đội ngũ nhân viên làm việc năng suất, hiệu quả.

II.Phân loại văn hóa doanh nghiệp

Trên thế giới, có rất nhiều cách phân loại văn hóa doanh nghiệp được đưa ra. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách phân loại văn hóa doanh nghiệp phổ biến, được sử dụng nhiều nhất được đưa ra bởi Charles Handy. Theo mô hình của Charles Handy, có bốn loại văn hóa mà các doanh nghiệp/ tổ chức tuân theo, cụ thể:

4 Loại văn hóa doanh nghiệp

1.Văn hóa dựa trên quyền lực (Power culture)

Văn hóa dựa trên quyền lực hay còn được gọi là văn hóa quyền lực tập trung đề cập đến các doanh nghiệp có đặc điểm là quyền lực chỉ nằm trong tay một số ít người và chỉ họ mới được quyền quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp. Họ là những người được hưởng những ưu đãi đặc biệt tại nơi làm việc. Họ là những người quan trọng nhất tại doanh nghiệp và là những người ra quyết định chính. Những cá nhân này tiếp tục giao trách nhiệm cho các nhân viên khác. Trong một nền văn hóa như vậy, cấp dưới không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của cấp trên. Nhân viên không có quyền tự do bày tỏ quan điểm hoặc chia sẻ ý kiến ​​của họ và phải làm theo những gì cấp trên của họ nói.

Trong văn hóa dựa trên quyền lực, mối quan hệ được xây dựng và phát triển chủ yếu dựa vào mối quan hệ cá nhân, sự đồng cảm và đặc biệt là sự tin cậy. Hầu như không có các thủ tục hành chính và có rất ít các quy tắc. Doanh nghiệp được kiểm soát trực tiếp từ vị trí quyền lực và thông qua những đại diện được ủy quyền tối cao.

Điểm mạnh và điểm yếu của văn hóa dựa trên quyền lực:

Ưu điểm của các doanh nghiệp phát triển văn hóa quyền lực tập trung là năng động, mạnh mẽ và khả năng phản ứng nhanh và linh hoạt  với các yêu cầu bên ngoài. Bên cạnh đó, điểm hạn chế của nó là các doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng và sự phán đoán của những người ở các vị trí quyền lực trung tâm – nếu năng lực của họ yếu kém thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn để tồn tại, phát triển. Hơn nữa, văn hóa dựa trên quyền lực rất khó phát triển ở quy mô lớn.

2.Văn hóa chú trọng vai trò (Role culture)

Văn hóa vai trò là văn hóa mà mọi nhân viên được giao các vai trò và trách nhiệm tùy theo chuyên môn, trình độ học vấn và sở thích để tận dụng những gì tốt nhất từ bản thân người nhân viên đó. Trong văn hóa dựa trên vai trò, nhân viên quyết định những gì họ có thể làm tốt nhất và sẵn sàng chấp nhận thử thách. Mọi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm về việc này hay việc kia và phải có quyền sở hữu đối với công việc được giao cho mình.

Môi trường tổ chức của văn hóa chú trọng vai trò được đặc trưng bởi những quy tắc, thủ tục và mô tả công việc chính thức. Kết quả thực hiện công việc của mỗi nhân viên được coi là thước đo cho các quyết định thưởng – phạt của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Quyền hạn trong chừng mực nhất định, năng lực chuyên môn là những yếu tố chủ yếu cho việc thực thi nghĩa vụ.

Điểm mạnh và điểm yếu của văn hóa chú trọng vai trò:

Điểm mạnh của của loại văn hóa này là mang lại hiệu quả về chi phí và sự ổn định trong hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh các điểm mạnh, văn hóa chú trọng vai trò vẫn còn tồn tại các điểm yếu là cứng nhắc, trì trệ, chậm phản ứng trước những thay đổi.

3.Văn hóa chú trọng nhiệm vụ (Task culture)

Văn hóa chú trọng nhiệm vụ là hình thức văn hóa doanh nghiệp mà tại đó quyền lực được phân tán và chủ yếu bởi quyết định năng lực chuyên môn chứ không bởi vị trí quan trọng

trong doanh nghiệp. Loại văn hoá này thường xuất hiện khi doanh nghiệp tập trung tất cả những nỗ lực vào những công việc hay dự án cụ thể.

Trong văn hóa nhiệm vụ, công việc tổ chức trú trọng vào việc tập hợp con người và nguồn lực thích hợp để đảm nhận công việc, mọi người tập trung chủ yếu vào việc hoàn thành các công việc được giao.

Điểm mạnh và điểm yếu của văn hóa chú trọng nhiệm vụ:

Về điểm mạnh, văn hóa chú trọng nhiệm vụ là đề cao năng lực, tính chủ động, linh hoạt, thích ứng tốt. Loại văn hóa này đặc biệt thích hợp khi hoạt động trong môi trường có sự cạnh tranh cao, chu kỳ sản phẩm, công việc hay dự án ngắn, đòi hỏi sáng tạo. Về hạn chế, loại hình văn hóa này khó có thể đạt hiệu quả trong quản lý, khó phát triển sâu về chuyên môn, lệ thuộc vào năng lực và trình độ cá nhân bởi đặc điểm ngang hàng của các vị trí.

4.Văn hóa chú trọng con người (Person culture)

Sự xuất hiện của văn hóa chú trọng con người là khi một nhóm người quyết định không hoạt động riêng lẻ nữa và tự tổ chức thành một tập thể để đạt lợi ích cao nhất. Trong loại hình văn hóa này, mỗi người trong doanh nghiệp sẽ tự quyết định về công việc của mình với những cách thức, cơ chế và quy tắc riêng. Mỗi người trong số họ có toàn quyền quyết định đối với công việc của mình, cùng chia sẻ các tác động, quyền lực (nếu có) chủ yếu xuất phát từ năng lực cá nhân của họ.

Điểm mạnh và điểm yếu của văn hóa chú trọng con người:

Điểm mạnh của văn hóa chú trọng con người là mỗi cá nhân trong doanh nghiệp có tính tự chủ và tự quyết rất cao. Điểm hạn chế là khả năng hợp tác lỏng lẻo, không hiệu quả về quản lý và khai thác nguồn lực. Trên thực tế, có rất ít doanh nghiệp lựa chọn loại văn hóa này.

Được tổng hợp bởi BBT On Point HRB!